Trung Quốc phát hiện gần 150 ngôi mộ cổ bên dưới sở thú

Năm 1956, khi bắt đầu xây dựng một sở thú ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), chẳng ai ngờ được điều này mở ra một phát hiện lớn trong ngành khảo cổ. Suốt quãng thời gian kéo dài vài chục năm, nhóm khảo cổ học đã phát hiện khoảng 500 ngôi mộ cổ tại khu vực này.

Vào đầu năm nay, Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ học ở thành phố Quảng Châu đã tiến hành khai quật. Đến thời điểm hiện tại, 148 ngôi mộ cổ của các triều đại Hán, Đường, Tấn, Nam Tống và nhà Minh lần lượt được tìm thấy.


Hình ảnh một số ngôi mộ cổ từ trên cao (Ảnh: China Central Television).

Bên cạnh những ngôi mộ này, nhóm chuyên gia còn khai quật gần 200 hiện vật, từ những món đồ tạo tác bằng ngọc tinh xảo cho tới đồ gốm thiết kế phức tạp. Qua đó, công chúng có thêm những tư liệu quý giá về phong tục chôn cất cổ xưa.

Những hiện vật và mộ cổ trải dài suốt 2.100 năm lịch sử của Trung Quốc, mang tới cho các nhà nghiên cứu cơ hội quý báu để tìm hiểu sự phát triển về tập tục chôn cất của người cổ xưa trong khu vực.

Từ tháng 4 tới tháng 7 năm nay, nhóm khảo cổ học từ Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ học thành phố Quảng Châu đã khai quật gần 150 ngôi mộ trải dài hàng nghìn năm trong khu vực rộng 1.300m2 tại một vườn thú ở tỉnh Quảng Đông.

Ngôi mộ cổ nhất có niên đại từ thời nhà Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên). 8 ngôi mộ cổ có niên đại từ thời nhà Tấn (265-589), 15 ngôi mộ từ thời nhà Đường (618-907), 121 mộ thời nhà Minh và nhà Thanh. Ngoài ra còn 48 ngôi mộ cổ khác.

2 ngôi mộ cổ đặc biệt thu hút sự chú ý của các chuyên gia trong đó có một ngôi mộ từ thời Đông Tấn được thiết kế công phu. Mộ có niên đại hơn 1.700 năm tuổi, có chiều dài gần 10m, được bảo quản gần như nguyên vẹn.

Phía trên có một lỗ nhỏ do những kẻ trộm mộ tạo ra nhưng không gây hư hại bên trong. Công trình được xem là ngôi mộ lớn nhất và bảo quản tốt nhất từ thời Đông Tấn được tìm thấy ở Quảng Châu.


Những món đồ gốm niên đại hàng nghìn năm được khai quật trong mộ cổ (Ảnh: China Central Television).

Ngôi mộ đáng chú ý thứ 2 thuộc về thời Nam Triều và có kích thước nhỏ hơn, từng bị kẻ trộm mộ phát hiện nhưng bên trong vẫn được bảo tồn khá tốt.

Việc phát hiện những ngôi mộ cổ mang ý nghĩa to lớn với việc nghiên cứu phong tục chôn cất, hình thức tang lễ tại Quảng Châu.

"Ngoài ra, việc phát hiện này đóng vai trò quan trọng để nghiên cứu về công nghệ xây dựng kiến trúc thời Tấn và Nam Triều", ông Cheng Hao - một nhà nghiên cứu đến từ Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ Quảng Châu - nói.

Hiện các nhà nghiên cứu hy vọng thông qua những phân tích sẽ đưa ra kết luận về cách thức, tập tục chôn cất của Trung Quốc suốt hàng nghìn năm. Qua đó, công chúng sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về xu hướng chôn cất thay đổi thế nào qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, việc khai quật mộ cổ không chỉ giới hạn trong những vòng tròn học thuật. Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Quảng Châu đã phát triển những tour du lịch cho du khách tới đây trải nghiệm, tìm hiểu kiến thức về các triều đại.

Nhóm chuyên gia khảo cổ học cho biết, họ vẫn tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu về truyền thống chôn cất và cấu trúc xã hội Trung Quốc cổ đại có nhiều biến động ra sao.

Cập nhật: 06/11/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video